Tuy là hai lĩnh vực tách biệt nhưng giữa thời trang và nghệ thuật vẫn luôn tồn tại sự liên kết mật thiết. Sự giao thoa đó ngày một rõ nét khi nhiều thương hiệu, tập đoàn thể hiện sự quan tâm và đầu tư nghiêm túc vào nghệ thuật. Điều này không khó hiểu bởi trong thời đại ngày nay, mục tiêu của ngành hàng xa xỉ không chỉ dừng lại ở việc tạo ra sản phẩm chất lượng đỉnh cao mà hơn thế là tập trung vào lối sống của giới thượng lưu, tạo những kết nối ý nghĩa, và ở đó, nghệ thuật là một yếu tố quan trọng.
Xu hướng mở rộng sang lĩnh vực nghệ thuật bắt đầu từ sở thích cá nhân của giới tinh hoa, những nhà sáng lập của các thương hiệu và tập đoàn lớn, trong đó có thể kể đến Miuccia Prada, François Pinault, Bernard Arnault…
Fondazione Prada tại Milan là nơi tổ chức những sự kiện nghệ thuật, văn hóa và thời trang do Prada tổ chức.Ngoài cặp mắt sắc bén trong thiết kế, Miuccia Prada còn là người có tầm nhìn đầy tri thức và đam mê nghệ thuật. Điều đó góp phần tạo nên vẻ đẹp tinh vi đa tầng trong hai thương hiệu của bà – Prada và Miu Miu. Với tầm nhìn tiên phong, bà và chồng là doanh nhân Patrizio Bertelli đã sáng lập viện Fondazione Prada vào năm 1993. Đây là dự án kiến trúc đầu tiên của giới thời trang được thiết kế bởi một văn phòng kiến trúc nổi tiếng, cụ thể là OMA do KTS Rem Koolhaas chủ trì. Kể từ đó, khu phức hợp này đã trở thành không gian văn hóa nghệ thuật đương đại, đồng thời là nơi diễn ra các show diễn của thương hiệu. Chưa dừng lại ở đó, tập đoàn còn giới thiệu Prada Frame, một hội nghị chuyên đề đa ngành đào sâu vào mối quan hệ phức tạp giữa môi trường tự nhiên và thiết kế bắt đầu từ năm 2022, diễn ra trong khuôn khổ Milan Fashion Week thường niên.
Bảo tàng Bourse de Commerce, nơi trưng bày những tác phẩm của gia tộc Pinault.Kể từ sau Fondazione Prada, các doanh nhân thời trang cũng bắt đầu thể hiện sự quan tâm nghệ thuật của mình một cách rộng rãi hơn thay vì lưu trữ chúng cho riêng mình. Năm 1999, tỉ phú François Pinault, nhà sáng lập tập đoàn Kering thành lập Pinault Collection nhằm quản lý các BST nghệ thuật tư nhân của gia tộc Pinault, địa điểm triển lãm, chương trình liên kết từ thiện và văn hóa… Tính đến nay, ông đã sở hữu ba công trình cổ tại Venice và được cấp quyền sử dụng 50 năm cho một tòa nhà di sản tại Paris là Bourse de Commerce để phục vụ mục đích nghệ thuật. Cả bốn công trình Palazzo Grassi, Punta della Dogana, Teatrino và gần nhất là Bourse de Commerce đều được cải tạo bởi KTS đoạt giải Pritzker người Nhật Tadao Ando.
Bảo tàng Louis Vuitton FoundationKhông hề kém cạnh, năm 2014, chủ tịch Bernard Arnault của tập đoàn LVMH khánh thành Louis Vuitton Foundation – trung tâm văn hóa nghệ thuật được thiết kế bởi KTS Frank Gehry, để tổ chức các chương trình triển lãm, đồng thời là nơi trưng bày các tác phẩm đương đại do quỹ sở hữu cũng như BST cá nhân của tỷ phú Bernard Arnault. Công trình còn thể hiện sự hào phóng của Arnault khi ông quyết định trao tặng toàn bộ cho chính phủ sau thời hạn sở hữu 55 năm kể từ lúc bắt đầu hoạt động.
Một thương hiệu có sự đầu tư về lĩnh vực nghệ thuật đáng chú ý khác là Loewe. Trong 178 năm qua, Loewe luôn tự hào về di sản đồ da thủ công và đề cao nghệ thuật chế tác của những người nghệ nhân lành nghề. Để viết tiếp câu chuyện đó, Giám đốc Sáng tạo Jonathan Anderson đã thành lập giải thưởng Loewe Foundation Craft Prize từ năm 2016 nhằm tìm kiếm và ủng hộ nghệ sĩ trên toàn thế giới. Chương trình góp phần tạo động lực cho công việc sáng tạo nghệ thuật đương đại, khích lệ kế thừa và làm mới những kỹ nghệ thủ công truyền thống của nhiều nền văn hóa.
Show diễn Metiers d’Art 2019 của Chanel với chủ đề Ai Cập được tổ chức tại bảo tàng MET New York.Trong vài năm trở lại đây, sự kiện Milan Design Week đã thu hút sự tham gia của nhiều thương hiệu thời trang dù là sân chơi vốn tập trung vào lĩnh vực thiết kế nội thất và kiến trúc. Tại đây, bên cạnh mục đích giới thiệu những sản phẩm cho nhà cửa, các thương hiệu còn có cơ hội lan tỏa hình ảnh và câu chuyện của mình thông qua không gian sắp đặt nghệ thuật ấn tượng được thiết kế bởi các KTS và NTK nổi tiếng. Năm nay, tuần lễ thu hút thêm các thương hiệu lần đầu tham dự là Thom Browne, Balenciaga, MCM, Saint Laurent.
Doanh nhân Patrizio Bertelli, NTK Miuccia Prada, thượng nghị sĩ Matteo Renzi và KTS Rem Koolhaas.Việc các thương hiệu lựa chọn phòng tranh hoặc bảo tàng để làm sàn diễn cho BST mới cũng không quá mới mẻ. Chẳng hạn như show diễn Cruise 2025 mới đây của Gucci được tổ chức tại bảo tàng Tate Modern Anh quốc; Louis Vuitton chọn bảo tàng Miho Kyoto cho BST Cruise 2018; hay Chanel Pre-fall 2019 diễn ra tại bảo tàng MET ở New York… Những lựa chọn về địa điểm này góp phần nâng tầm hình ảnh của thương hiệu và củng cố thông điệp thời trang cũng là một loại hình nghệ thuật.
Tỷ phú Bernard Arnault (phải) và KTS Frank Gehry (trái) – Tác giả của công trình Louis Vuitton Foundation Các tác phẩm trong mùa giải năm 2024 của Loewe Foundation Craft Prize được trưng bày tại bảo tàng Palais de Tokyo.
Trên thực tế, việc đầu tư vào nghệ thuật có thể xem là một chiến lược của các thương hiệu thời trang nhằm tìm kiếm và phục vụ đối tượng khách thuộc tầng lớp ưu tú vốn có niềm đam mê và am hiểu văn hóa – nghệ thuật, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và mức tiêu thụ hàng xa xỉ không còn như trước. Như CEO Cecilia Morelli của thương hiệu Galvan chia sẻ, hình ảnh của thương hiệu cần phản ánh con người của khách hàng. Ngày càng có nhiều người yêu thích và sưu tầm nghệ thuật. Vốn là một ngành quan tâm về xu hướng, việc thời trang nắm bắt, có chiến lược, và ảnh hưởng đối với lĩnh vực nghệ thuật là một điều hiển nhiên.